Ở Hà Giang, nơi có nhiều tam giác mạch nhất phải kể đến các huyện Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc
Hoa Tam giác mạch thu hút khách du lịch tới Hà Giang
Ở Hà Giang, nơi có nhiều tam giác mạch nhất phải kể đến các huyện Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc. Bốn huyện này cũng thuộc khu vực Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận vào tháng 10 năm 2010.
Người địa phương cho biết, trước đây tam giác mạch được đồng bào vùng cao trồng để chăn nuôi gia súc là chính, nhưng đó cũng là thứ lương thực dự trữ cho con người, phòng khi thiếu đói.
Loài cây có hoa nhỏ li ti, bình thường như bao loài cây ở vùng đá nhiều hơn đất. Ít năm trước, mùa tam giác mạch trổ hoa đã lọt vào mắt các phượt thủ, đa phần là những thanh niên miền xuôi sức dài vai rộng, thích du lịch bằng xe máy trên những cung đường thiên lý. Họ chụp ảnh, chia sẻ trên các diễn đàn, mạng xã hội. Một thành mười, mười thành trăm, rồi thành ức vạn bỗng yêu tha thiết những khoảnh ruộng tam giác mạch ngập tràn hoa tím li ti. Sức sống mong manh và rực rỡ của loài cây hoa, đối lập với đá lạnh khô cằn và vực sâu hiểm trở đã tạo nên một vẻ đẹp hấp dẫn kỳ lạ, như sức sống mãnh liệt, kiên cường của người dân vùng đất này. Cụm từ “tam giác mạch” trở thành từ khóa “hot” trên mạng của dân du lịch, gắn với các cung đường Tây Bắc hùng vĩ len lỏi giữa một vùng cao nguyên đá. Đây cũng là kết quả chỉ có trong thời in-tơ-nét và mạng xã hội, bởi tốc độ lan truyền thông tin, hình ảnh nhanh như gió; cộng với các bình luận, chia sẻ, truyền cảm hứng cho những ai thích du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm.
Năm 2015, lần đầu tiên Hà Giang tổ chức Lễ hội hoa tam giác mạch. Ngoài tôn vinh những giá trị văn hóa nói chung của vùng cao nguyên đá Đồng Văn, một mục tiêu không nhỏ là xây dựng hình ảnh hoa tam giác mạch thành một sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương, thu hút du khách gần xa. Tam giác mạch trở thành “sứ giả du lịch” của cao nguyên đá, đặc biệt vào dịp cuối năm, bằng một lễ hội thường niên.
Lễ hội hoa Tam giác mạch năm 2018 được tổ chức tại thị trấn Đồng Văn. Đường từ thành phố Hà Giang lên huyện Quản Bạ mới sửa, khá tốt, bên đường có dòng suối lớn, đang vào mùa khô, nước trong xanh róc rách chảy. Giữa dòng, từng cụm đá lô nhô, trên bờ cây xanh mướt, quang cảnh yên tĩnh, thanh bình, cảm giác thư thái, sảng khoái, đặc biệt với người ở dưới xuôi lên. Vượt qua Cổng Trời một quãng bỗng thấy oà trước mặt một vùng hoa nối tiếp nhau. Tam giác mạch từng bông hoa đơn lẻ khó có thể gọi là đẹp, nhưng khi kết thành cả một thảm hoa thì trở nên rực rỡ, vô cùng nên thơ.
Khá nổi tiếng là khu vực Thạch Sơn Thần, thuộc địa bàn xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ. Trước kia nơi đây hoang vắng, có cụm bảy cột đá vôi nổi lên. Chẳng biết ai và từ bao giờ đặt ra cái tên Thạch Sơn Thần kỳ bí, lại mang ý nghĩa tâm linh nào đó. Còn bây giờ, là một vùng bạt ngàn tam giác mạch. Ô-tô, xe máy đỗ đầy hai bên đường. Người lớn, trẻ em ào xuống chụp ảnh.
Đường lên Đồng Văn đi qua nhiều địa danh du lịch nổi tiếng như Núi Đôi Quản Bạ, thị trấn Phố Bảng, rừng thông Yên Minh, làng văn hóa Lũng Cẩm - Sủng Là (nơi là bối cảnh của phim Chuyện của Pao, dựa theo truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của nhà văn Đỗ Bích Thúy), Khu Dinh thự nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú, đèo Mã Pì Lèng… Những địa danh này trở nên thu hút và hấp dẫn hơn những thời điểm khác trong năm chính là nhờ sự điểm tô của những thảm hoa tam giác mạch. Hoa trên đồng rộng, hoa trên triền núi, hoa nằm bên bờ suối, đôi khi chỉ là những vạt hoa nhỏ men theo sườn đồi dưới rừng thông. Những em bé người Mông, lưng đeo gùi, đầu đội vòng tết bằng hoa tam giác mạch, tay cầm những bó hoa bé xinh bẽn lẽn chìa ra cho chúng tôi. Chỉ 10 nghìn một bó, mà kể cả có đắt hơn cũng không ai nỡ từ chối những đôi bàn tay nhỏ bé, đỏ hồng lên vì lạnh.
Du lịch Hà Giang mấy năm trở lại đây khởi sắc rõ rệt, nhất là từ sau khi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ 16, nhiệm kỳ 2015 - 2020, đặt mục tiêu phát triển thu hút khách du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời xác định việc phát triển phải mang tính bền vững.
Ngoài cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, Hà Giang sở hữu 55 di tích, danh thắng cấp tỉnh và cấp quốc gia; 16 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 3 bảo vật quốc gia; Công viên địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận; nhiều làng nghề đặc sắc và các lễ hội truyền thống, làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc. Đây là thế mạnh không phải địa phương nào cũng có được. Nhưng để đi theo hướng phát triển bền vững, ngành du lịch Hà Giang đã tập trung phát triển các loại hình du lịch đặc thù dựa trên nguồn tài nguyên sẵn có, xây dựng sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp, trong đó cây tam giác mạch chính là một sản phẩm đặc thù.
Lễ hội hoa Tam giác mạch qua bốn lần tổ chức, gây được sự chú ý mạnh mẽ của truyền thông, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế, đang dần trở thành một thương hiệu của du lịch Hà Giang. Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang cho thấy, những năm gần đây lượng khách du lịch tăng trung bình đạt từ 10% đến 20%, đã vượt con số một triệu lượt khách/năm. Trong con số ấn tượng này, hẳn có phần đóng góp không nhỏ của tam giác mạch.